ĐIỀU TRỊ CHẤN THƯƠNG GAN VỠ BẰNG PHƯƠNG PHÁP NÚT ĐỘNG MẠCH GAN TAE (Transarerial Embolization) KHÔNG CẦN PHẪU THUẬT
Bệnh nhân Lý Quốc M. sinh năm 1975, địa chỉ Đại Ngãi, huyện Long Phú, Tỉnh Sóc Trăng. Bị tai nạn giao thông và được chuyển đến bệnh viện Đa khoa Trung Ương Cần Thơ lúc 5h40 ngày 23/07/2017
Khoa Cấp cứu tiếp nhận bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau khắp bụng, đau dữ dội vùng bờ sườn và hông lưng bên phải. Da niêm nhợt nhạt, vã mồ hôi, thở nhanh, nhịp tim nhanh nhỏ 147 lần/phút, huyết áp thấp, có dấu hiệu của trụy tim mạch. Bệnh nhân được khám bệnh và tiến hành các xét nghiệm cận lâm sàng cấp cứu. Qua thăm khám và kết quả của siêu âm bụng chụp cắt lớp vi tính bụng, bệnh nhân được xác định vỡ gan và có hình ảnh nhánh động mạch gan vỡ đang xuất huyết. Bệnh nhân được chẩn đoán: Xuất huyết nội do vỡ gan độ III. Sau khi được hội chẩn của kíp trực và được chỉ định tiến hành can thiệp nội mạch cầm máu cấp cứu. Bệnh nhân được BS.Bùi Phi Hùng – BS.Trần Công Khánh và kíp can thiệp nội mạch tiến hành điều trị với phương pháp “nút nhánh động mạch gan”. Đây là phương pháp điều trị nội mạch dưới máy chụp mạch kỹ thuật số hóa xóa nền DSA (Digital Subtraction Angiography). Qua đó, bác sĩ dùng một ống thông nhỏ đường kính 1mm, luồn từ vùng bẹn phải vào động mạch đùi, đưa lên động mạch chủ vào đến động mạch gan. Tiếp theo bác sĩ bơm thuốc cản quang chụp toàn bộ hệ động mạch của gan, xác định nhánh động mạch bị vỡ gây chảy máu ổ bụng. Sau khi đã xác định được vị trí động mạch tổn thương, thuốc tắc mạch sẽ được bơm vào động mạch bị vỡ để cầm máu. Thủ thuật nút động mạch gan đã được thực hiện thành công trong vòng 45 phút.
Diễn tiến sau can thiệp nội mạch: Tình trạng sức khỏe bệnh nhân ổn định dần, bớt đau bụng, nhịp tim, huyết áp và các chỉ số xét nghiệm dần trở về giới hạn bình thường. Hiện tại toàn trạng đã ổn định, bệnh nhân ăn uống được.
Bs.Bùi Phi Hùng thăm khám bệnh sau can thiệp
Theo BS.CKI Bùi Phi Hùng, Khoa Ngoại Tổng quát BVĐKTƯ Cần Thơ, trưởng ê kíp can thiệp nội mạch cho biết. Đối với các trường hợp chấn thương gan vỡ có tình trạng diễn tiến tiếp tục xuất huyết, trước đây phải cân nhắc đến việc phẫu thuật cầm máu. Khi phẫu thuật bệnh nhân phải chịu đựng một cuộc phẫu thuật, cần phải gây mê. Lựa chọn phương pháp nút động mạch cầm máu, bệnh nhân chỉ cần gây tê tại chỗ vị trí động mạch đùi, tránh được cho bệnh nhân những di chứng của một cuộc phẫu thuật. Thời gian hồi phục sớm, bệnh nhân ít đau hơn. Nguyên tắc điều trị bằng phương phát nút động mạch khi vỡ gan chỉ định trong các trường hợp chấn thương gan độ II, III và một số trường hợp độ IV theo phân độ của Hiệp hội Chấn thương Mỹ AAST (American Association for the Surgery of Trauma), đồng thời không có các tổn thương các tạng khác kèm theo như vỡ ruột, vỡ dạ dày...Vật liệu để nút động mạch có thể dùngSpongel, hạt nhựa PVA (Poly Vinyl Alcohol), keo sinh học Histoacyl...
Trong trường hợpvỡ gan này gặp một ít khó khăn do động mạch gan không xuất phát từ động mạch thân tạng như giải phẫu học bình thường mà động mạch gan lại xuất phát từ nhánh của động mạch mạc treo tràng trên. Xác định động mạch gan, chọn lọc nhánh động mạch gan bị tổn thương, dùng vật liệu nút mạch nêu trên, cầm máu.
ĐM gan không xuất phát từ ĐM thân tạng mà xuất phát từ nhánh ĐM mạc treo tràng trên
Việc can thiệp nội mạch còn có thể tiến hành trong một số trường hợp vỡ các tạng khác trong ổ bụng như vỡ lách, vỡ thận...
Với việc BVĐKTƯ Cần Thơ được trang bị hệ thống chụp mạch máu số hóa xóa nền DSA, ngoài việc cấp cứu một số trường hợp chấn thương gan vỡ còn ứng dụng vào can thiệp điều trị mạch vành, điều trị ung thư gan, ung thư gan vỡ và can thiệp mạch não…