THÊM MỘT TRƯỜNG HỢP NÚT THÀNH CÔNG ĐỘNG MẠCH PHẾ QUẢN ĐIỀU TRỊ HO RA MÁU
Ngày 04-03-2018, ê kíp can thiệp mạch máu ngoại biên bằng kỹ thuật nút mạch số hóa xóa nền của bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã thực hiện thành công kỹ thuật nút động mạch phế quản cho một bệnh nhân ho ra máu tái phát nhiều lần.
Ngày 04-03-2018, ê kíp can thiệp mạch máu ngoại biên bằng kỹ thuật nút mạch số hóa xóa nền của bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã thực hiện thành công kỹ thuật nút động mạch phế quản cho một bệnh nhân ho ra máu tái phát nhiều lần.
Ho ra máu là một tình trạng cấp cứu, nguyên nhân thường do lao phổi, u phổi, nấm phổi, nhiễm trùng... Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong do suy hô hấp hoặc sốc mất máu.
Bệnh nhân là bà N.T.C.H, 62 tuổi, địa chỉ Ninh Kiều – Cần Thơ, bị ho ra máu tái phát nhiều lần, điều trị nội khoa khoảng 1 năm không hiệu quả cùng tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường tuýp 2 khoảng 10 năm. Qua chẩn đoán, bệnh nhân H bị ho ra máu do chảy máu động mạch phế quản thùy trên phổi phải.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã thống nhất chỉ định điều trị cho bệnh nhân bằng phương pháp chụp và nút động mạch phế quản (Bronchial Artery Embolization- BAE).
Dưới màn hình chụp động mạch xóa nền (DSA), bệnh nhân đã được các bác sĩ đặt một ống thông nhỏ đi từ động mạch đùi đến động mạch phế quản đang chảy máu và được bơm chất nút động mạch tổn thương. Sau đó, bệnh nhân được chụp kiểm tra lại để đảm bảo không còn chảy máu ở vị trí tổn thương. Hiện tại sức khỏe của bệnh nhân đã hồi phục và có thể xuất viện sau vài ngày tới.
Đây là lần thứ hai Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ thực hiện thành công kỹ thuật thuyên tắc động mạch phế quản - loại thủ thuật điều trị nội mạch can thiệp được cho là xâm lấn tối thiểu, an toàn, ít biến chứng, hiệu quả cao trong kiểm soát nguyên nhân trực tiếp gây ho ra máu thông qua hệ thống máy chụp kỹ thuật số hóa xóa nền (DSA).
Thời gian qua, bệnh viện đã triển khai thành công các kỹ thuật chụp, chẩn đoán và điều trị bệnh lý mạch vành tim, can thiệp mạch máu não thông qua DSA. Trong thời gian tới, ê kíp can thiệp mạch máu ngoại biên sẽ triển khai song song các kỹ thuật nút mạch trong điều trị ho ra máu, chảy máu trong chấn thương gan, chấn thương thận, chảy máu hoặc huyết khối tắc mạch chi do chấn thương và tắc mạch điều trị u xơ tử cung,… Điều này sẽ góp phần hạn chế các trường hợp phải phẫu thuật hoặc can thiệp nặng nề hơn trên người bệnh.
Bác sĩ giải thích tình trạng của bệnh nhân với gia đình và thực hiện kỹ thuật
Hình ảnh mạch máu phế quản trước và sau thực hiện thủ thuật