THAY HUYẾT TƯƠNG CỨU SỐNG BỆNH NHÂN BAN XUẤT HUYẾT GIẢM TIỂU CẦU HUYẾT KHỐI NẶNG HIẾM GẶP

Ngày đăng: 29-04-2021 09:44:18
Nguồn đăng: Phòng Công tác xã hội


Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ (BVĐKTƯCT) vừa điều trị thành công trường hợp bệnh lý rất hiếm gặp “Ban xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối”, một cấp cứu y khoa, nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, hơn 90% bệnh nhân sẽ tử vong. Đây là trường hợp đầu tiên bệnh viện điều trị thành công bệnh lý ban xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối bằng kỹ thuật thay huyết tương.

Bệnh nhân nam  Đ.T.H, 72 tuổi, ngụ tại Ngã Năm, Sóc Trăng. Bệnh nhân được chuyển đến BVĐKTƯCT vào lúc 17 giờ ngày 15/4/2021, từ tuyến trước trong tình trạng lơ mơ, không tiếp xúc, yếu tay chân với chẩn đoán: TD nhồi máu cơ tim cấp, nhồi máu não, giảm tiểu cầu nặng chưa rõ nguyên nhân. Khám lâm sàng bệnh nhân hôn mê, sốt cao, xuất huyết dạng chấm, nốt ở 2 cẳng chân. Tình trạng thiếu máu - giảm tiểu cầu mức độ nặng, tiến triển nhanh.

Bệnh nhân được nhanh chóng thực hiện các xét nghiệm để hoàn thiện chẩn đoán và chẩn đoán xác định: Ban xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối (TTP).

Bệnh nhân hội đủ “ngũ chứng” của ca bệnh chẩn đoán xác định ban xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối như vừa thiếu máu mức độ nặng vừa biểu hiện tan máu qua chỉ số bilirubin tăng; đông máu cơ bản trong giới hạn bình thường, chỉ trừ giảm tiểu cầu mức độ nặng, tiến triển nhanh. Số lượng tiểu cầu bệnh nhân giảm còn 9x109/L là mức rất thấp, xuất huyết dạng chấm, nốt 2 cẳng chân, có thể gây nguy hiểm tính mạng bệnh nhân bất cứ lúc nào. Hôn mê, sốt cao và suy thận.

Bệnh nhân được điều trị tại khoa Hồi sức tích cực – Chống độc bệnh viện với các phương pháp:

- Thay huyết tương cấp cứu.

- Thuốc ức chế miễn dịch.

- Truyền khối hồng cầu.

- An thần, hỗ trợ hô hấp thở máy, dinh dưỡng nâng đỡ thể trạng, chăm sóc triệu chứng.

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân hôn mê sâu, co giật liên tục.

Sau 13 ngày điều trị nội khoa và thay huyết tương nhiều đợt, bệnh nhân đã tỉnh táo, ngưng được máy thở, rút nội khí quản, số lượng tiểu cầu cũng dần trở về giá trị bình thường. Tổng số lượng huyết tương tươi đông lạnh được huy động điều trị cho bệnh nhân là 207 đơn vị.

Sáng 29/4/2021, bệnh nhân tỉnh, thực hiện y lệnh chính xác, đang tiếp tục theo dõi và điều trị tại khoa Nội Tiêu hóa - Huyết học lâm sàng.

Theo Ths.BS Nguyễn Thị Minh Thy – Trưởng khoa Huyết học truyền máu bệnh viện cho biết: TTP (Thrombotic Thrombocytopenic Purpura: Ban Xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối) là bệnh lý hiếm gặp dẫn đến thiếu máu huyết tán vi mạch và giảm tiểu cầu với tỷ lệ mắc khoảng 3,7 ca trong 1 triệu dân. Ban  xuất  huyết giảm tiểu cầu huyết khối cần phải chẩn đoán nhanh chóng và chính xác. Nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, hơn 90% bệnh nhân sẽ tử vong.

 Trong bệnh này, các cục máu nhỏ hình thành trên khắp cơ thể của người bệnh nhưng những cục máu nhỏ này có thể gây hậu quả rất nặng nề. Các cục máu nhỏ có thể chặn các mạch máu đến các cơ quan trong cơ thể, dẫn đến làm tổn hại chức năng của các cơ quan quan trọng, chẳng hạn như tim, não và thận.

Về cơ chế bệnh sinh được cho rằng do sự thiếu hụt enzyme phân hủy yếu tố Von Willebrand còn được gọi là ADAMTS13.

Theo BS. CKII Dương Thiện Phước - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc bệnh viện: Đây là trường hợp đầu tiên khoa Hồi sức tích cực - Chống độc  điều trị thành công bệnh lý “Ban xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối” bằng kỹ thuật thay huyết tương.

Khi thực hiện kỹ thuật thay huyết tương sẽ giúp giảm tỉ lệ tử vong xuống dưới 15%. Thành công của việc thay huyết tương mở ra triển vọng mới trong điều trị hội chứng này trong hoàn cảnh lâm sàng hiện nay.

ĐỊA CHỈ

Bệnh viện Trung Ương Cần Thơ
315 Nguyễn Văn Linh
P. An Khánh Q Ninh Kiều
Điện thoại: 0901.215115

FORM LIÊN HỆ